Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người
đứng đầu cơ quan, của cán bộ, công chức xã Sông Phan và nhân dân về ý nghĩa,
mục tiêu, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với sự nghiệp
phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa
công vụ, quy tắc ứng xử của công chức; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa,
một cửa liên thông theo hướng văn minh, hiện đại. Tăng cường sự tham gia của
người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong việc thực hiện cải cách hành
chính; khuyến khích người dân, tổ chức và doanh nghiệp tích cực sử dụng các
dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và giám sát các hoạt động
thực thi công vụ, kết quả thực hiện của địa phương. UBND xã Sông Phan xây dựng
kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 26/01/2024 về công tác cải cách thủ tục hành chính
trọng tâm năm 2024 với các nội dung chính gồm:
- Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2024 của xã. Trong đó, tập trung rà soát, đề xuất đơn giản hoá các TTHC. Kiến nghị các cấp có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; tích hợp các mẫu đơn, tờ khai có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có. Rà soát, đề xuất tái cấu trúc quy trình, điện tử mẫu hoá đơn, tờ khai, kết quả giải quyết TTHC tạo điều kiện nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời danh mục TTHC mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của tỉnh, huyện. Xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử và công khai kịp thời, đúng quy định.
- Tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa điện tử liên thông của địa phương, đảm bảo nguyên tắc 100% hồ sơ thủ tục hành chính của địa phương phải được tiếp nhận tại bộ phận một của cấp xã và được cập nhật, luân chuyển, giải quyết trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đồng thời, phải liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.
- Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận một cửa các cấp đối với các thủ tục hành chính ngành dọc đảm bảo tối thiểu 90% số thủ tục hành chính ngành dọc được tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa các cấp theo danh mục đã được phê duyệt.
- Có giải pháp giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn. UBND xã định kỳ vào thứ 6 hàng tuần tổ chức rà soát, theo dõi tình hình giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, địa phương để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hẹn.
- Công chức địa chính – xây dựng phụ trách lĩnh vực đất đai thường xuyên kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai được phân công phụ trách để kịp thời tham mưu chấn chỉnh, khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hẹn
- Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, luân chuyển và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng kết thúc quy trình xử lý hồ sơ điện tử trước khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
- Tổ chức khắc phục có hiệu quả các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra qua kết quả khảo sát đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính. Tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh, kiến nghị; Chủ tịch UBND xã tổ chức đối thoại định kỳ với người dân và doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.
- Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức tại Bộ phận một cửa xã; có khẩu hiệu hành động, gắn với xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ nhân dân.