Giới thiệu chung về Hàm Tân

  LỊCH SỬ HÌNH THÀNH:

         Địa danh Hàm Tân bắt đầu hình thành và có hệ thống hành chính từ năm Bính Thìn - 1916, theo đề nghị của Vua Duy Tân được Toàn quyền Pháp chuẩn y vào ngày 03/5/1916. Trước đó, cư dân đã đến sinh cơ lập nghiệp tại Hàm Tân - Lagi từ cuối thế kỷ 17 đến giữa cuối thế kỷ 19, gồm người Chăm và người Kinh đến từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, các tỉnh miền trung Trung bộ và miền Tây Nam bộ, hình thành nên các làng Tam Tân, Phước Lộc, Phò Trì, Cù My. Trãi qua các thời kỳ lịch sử, việc di dân đến Hàm Tân - La Gi ngày càng đông, địa giới hành chính Hàm Tân đã nhiều lần được điều chỉnh, chia tách, sáp nhập để đáp ứng yêu cầu lịch sử. Đến đầu những năm 2000, nhờ đường lối đổi mới của Đảng và sự phấn đấu, nỗ lực xây dựng quê hương của Đảng bộ và nhân dân, đời sống kinh tế - xã hội của huyện Hàm Tân (cũ) có nhiều đổi thay, đô thị hóa ngày càng nhanh. Để đáp ứng tốt yêu cầu quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tăng cường đầu tư phát triển, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ và nhân dân Hàm Tân - La Gi. Do đó, ngày 05/9/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2005/NĐ-CP về việc thành lập Thị xã La Gi trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hàm Tân. Kể từ ngày 01/12/2005, bộ máy của huyện Hàm Tân (mới) chính thức đi vào hoạt động.

          Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã La Gi, huyện Hàm Tân còn lại 73.914 ha diện tích tự nhiên và 70.515 nhân khẩu, có 9 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Tân Thắng, Sơn Mỹ, Tân Hà, Tân Xuân, Tân Nghĩa, Sông Phan, Tân Đức, Tân Phúc và thị trấn Tân Minh. Ngày 03/12/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2007/NĐ-CP, theo đó, thành lập xã Thắng Hải thuộc huyện Hàm Tân trên cơ sở điều chỉnh 9.898 ha diện tích tự nhiên và 6.062 nhân khẩu của xã Tân Thắng và thành lập thị trấn Tân Nghĩa thuộc huyện Hàm Tân trên cơ sở toàn bộ 5.520 ha diện tích tự nhiên và 12.679 nhân khẩu của xã Tân Nghĩa. Như vậy, đến nay huyện Hàm Tân có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 08 xã và 02 thị trấn.

  QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN:

          Tuy các mặt kinh tế - xã hội đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng huyện Hàm Tân (mới) bắt đầu chặng đường mới trong bối cảnh còn không ít khó khăn. Hàm Tân là huyện miền núi nghèo nhất của tỉnh, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, đời sống của phần lớn nhân dân còn khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao (21,02%), có 04 xã thuộc chương trình 135 và 01 xã đặc biệt khó khăn, 01 xã bãi ngang ven biển, đội ngũ cán bộ thiếu và chưa ổn định… Song, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh và bằng ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, ý thức nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, vì vậy 15 năm qua huyện nhà đã gặt hái được nhiều thành quả rất đáng phấn khởi trên các lĩnh vực:

          - Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành sản xuất tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 đạt trên 43,78 tỉ đồng, đến nay ước đạt 631 tỉ đồng, tăng hơn 14,4 lần. Từ chỗ công nghiệp nhỏ lẻ, đến nay trên địa bàn huyện có 03 khu công nghiệp, 05 cụm công nghiệp, 14 dự án điện mặt trời (02 dự án đi vào hoạt động và 12 dự án đang khảo sát lập dự án đầu tư), 263 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 17 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, có 9 chợ/9 xã, thị trấn đã đưa vào hoạt động; chợ Tân Nghĩa đang kêu gọi đầu tư và thực hiện công tác bồi thường giải tỏa. Du lịch từ chỗ không có gì, đến nay có 18 dự án du lịch, trong đó có 17 dự án được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực và 01 điểm du lịch công đồng; có 01 dự án đi vào hoạt động, 02 dự án đang triển khai xây dựng. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá tích cực. Từ một vùng đất khô hạn, đồi dốc, sỏi đá, đất cát bạc màu, đến nay đã hình thành một số vùng chuyên canh các loại cây ăn trái, cây công nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế cao như nhãn xuồng, quýt đường, thanh long, điều, cao su, sản xuất hạt giống, nông nghiệp công nghệ cao… chăn nuôi phát triển ổn định theo hướng chăn nuôi tập trung, toàn huyện có 38 trang trại. Nguồn nước tưới dần chủ động, quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi; phát động phong trào, huy động nhân dân thực hiện phát triển thủy lợi nhỏ, kênh mương nội đồng, đào ao trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; đặc biệt, đến nay toàn huyện đã có 7/8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 02 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Từ nền tảng phát triển kinh tế đã làm tăng nguồn thu ngân sách, kết quả thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, tổng thu ngân sách năm 2020 tăng gần 7 lần so với năm 2005. Việc làm, thu nhập, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng cải thiện rõ rệt.

         - Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tăng cường đầu tư, nhất là điện, đường, trường, trạm, viễn thông, trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn. Tổng đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước trong 15 năm qua là 2.362,455 tỉ đồng.

         - Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp ngành giáo dục được tập trung đầu tư xây dựng. Đến nay toàn huyện 36 trường học từ mầm non đến THCS (tăng 5 trường so với năm 2005), trong đó có 16/36 trường đạt chuẩn quốc gia, và có 3 trường THPT (tăng 2 trường so với năm 2005); đến năm 2010 đã cơ bản xóa được các lớp học tạm bợ, không còn tình trạng học ca 3. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; đến nay toàn huyện có 13 cơ sở y tế (tăng 5 cơ sở so với năm 2005), 273 giường bệnh (tăng 6,06 lần so với năm 2005), đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư phát triển rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Từ chỗ hầu như chưa có gì, đến nay 8/8 xã và 41/41 thôn có cơ sở vật chất văn hóa, thể thao theo tiêu chí nông thôn mới; tỉ lệ gia đình văn hóa tăng từ 74,36% năm 2005 lên 94,2% vào cuối năm 2019; từ chỗ chưa có thôn, khu phố văn hóa cuối năm 2019 có 53/53 thôn, khu phố văn hóa, trong đó nhiều thôn, khu phố giữ chuẩn thôn, khu phố văn hóa 10 đến 15 năm liền; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị. Phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. Công tác xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh và huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia. 15 năm qua toàn huyện đã xây dựng mới 1.915 căn nhà tình thương, căn bản xóa xong nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 21,2% năm 2005 (theo chuẩn cũ) xuống còn dưới 2,5% năm 2020); dân sinh - kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhiều phát triển đáng kể.

         - Quốc phòng, an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đấu tranh 4 phòng chống các loại tội phạm phát triển rộng khắp, không xảy ra đột biến bất ngờ. Giao quân hàng năm đạt 100%, chất lượng giao quân ngày càng tăng lên.

         - Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tập trung củng cố, kiện toàn. Công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng được chú trọng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hướng về cơ sở. Lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của cấp trên nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của nhân dân. Công tác tổ chức cán bộ được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, đúng nguyên tắc; tập trung kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy từ huyện đến cơ sở. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng; 15 năm qua đã tạo điều kiện và cử gần 1.580 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị trong và ngoài tỉnh; trình độ chuyên môn có 07 thạc sỹ; kết nạp 1.019 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên từ 430 năm 2005 lên 1.594 vào tháng 10/2020. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên đáng kể; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được phát huy. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp triển khai thực hiện bằng nhiều biện pháp thích hợp, sát với tình hình thực tế. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng được đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gắn với cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực… đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu lãnh đạo, quản lý, xây dựng và phát triển huyện nhà.

         - Bên cạnh đó các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển giao thông nông thôn, xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp  nghĩa, khuyến học, khuyến tài, nhân đạo từ thiện… được đông đảo cán bộ, nhân dân hưởng ứng tích cực, huy động nguồn lực chung tay đóng góp hết sức to lớn cho sự ổn định và phát triển của huyện.

         Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, có thể thấy Hàm Tân (mới) đã và đang thay da đổi thịt từng ngày, nội lực kinh tế - xã hội được tích lũy lớn mạnh hơn, bộ mặt nông thôn và đô thị khang trang hơn, đội ngũ cán bộ trưởng thành hơn, nhân dân an vui, hạnh phúc hơn, đời sống ngày càng nâng lên về mọi mặt. Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện xin trân trọng ghi nhận, cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đầu tư của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh đã dành cho huyện trong 15 năm qua; trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương các cấp, các ngành, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân huyện nhà đã đoàn kết một lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng, chủ động, sáng tạo, chung sức chung lòng xây dựng quê hương Hàm Tân đạt những thành quả như ngày hôm nay./.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU:

Bản đồ hành chính huyện

 

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) ra mắt nhận nhiệm vụ

 

Lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm với lãnh đạo huyện tại Đại hội Đại biểu huyện Đảng bộ lần thứ XI

 

Trung tâm hành chính huyện Hàm Tân 

 

Trung tâm hành chính huyện nhìn từ trên cao

 

Đập Dâng Sông Phan

 

 

 

Đường Đông - Tây từ trên cao

 

Đập Sông Dinh 3

 

Nhà thi đấu huyện Hàm Tân

 

 

 

    

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang