THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ XÃ TÂN HÀ
I. Đặc điểm, vị trí địa lý và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội:
Tân Hà là xã miền núi thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, cách trung tâm huyện lỵ 6 km, cách thị xã La Gi 12 km, cách thành phố Phan Thiết hơn 52 km và cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 170 km.
Địa giới hành chính của xã được xác định: Phía bắc Tân Hà giáp thị trấn Tân Nghĩa, xã Tân Phúc và Tân Đức. Phía nam giáp xã Tân Xuân và Tân Thắng, phía Đông giáp thị xã La Gi, phía tây giáp xã Tân Thắng.
Tân Hà có diện tích tự nhiên hơn 6.795 hecta. Trong đó, có hơn 2.926 hecta đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp 3.869 hecta. Là xã có địa hình đa dạng nằm trong thung lũng sông Dinh, được hình thành với 3 dạng địa chất như sau:
- Địa hình đồng bằng thấp ven sông Dinh là bãi phù sa nhỏ, hẹp, độ cao 20 - 35 mét, bằng phẳng, thuận lợi cho việc trồng trọt, sản xuất nông nghiệp.
- Địa hình dạng đồi lượn sóng, thoai thoải là đất phù sa cổ, độ cao trung bình 35 - 100 mét, chủ yếu là loại đất xám có khả năng trồng rừng, cây lâu năm và cây công nghiệp ngắn ngày.
- Địa hình dạng đồi núi bao quanh, độ cao từ 250 - 800 mét. Ở phía đông là dãy núi Nhọn cao trên 570 mét và phía tây là núi Bể cao hơn 871 mét so với mặt nước biển. Đất phần lớn là dạng đất đỏ vàng trên nền đá granit.
Trên địa bàn Tân Hà có sông Dinh chảy qua, là con sông lớn của tỉnh Bình Thuận bắt nguồn từ núi Lốp - Suối Kiết của huyện Tánh Linh. Dòng sông chảy theo hướng Bắc Tây Bắc xuôi về hướng Đông Nam đổ ra cửa biển La Gi dài 58 km. Riêng đoạn sông chảy qua xã Tân Hà có chiều dài 5 km, đây là nguồn nước đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới cho sản xuất và nhu cầu đời sống nhân dân. Ngoài ra, mạng lưới sông, suối khác ở Tân Hà dòng chảy ngắn, lưu lượng chảy chênh lệch rất lớn giữa mùa khô và mùa mưa. Vì vậy, đến mùa khô phần lớn các dòng suối ở Tân Hà đều cạn nguồn.
Tân Hà có nguồn nước ngầm được phân bố rộng đều trên toàn xã, chia thành 3 vỉa: Vỉa có độ sâu từ 20 - 80 mét; vỉa có độ sâu từ 80 - 120 mét và vỉa có độ sâu từ 200 - 400. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm ở đây chất lượng không tốt, đa số bị nhiễm phèn. Hiện nay, Tân Hà phần lớn phải khai thác nguồn nước ngầm có độ sâu trên 30 mét để phục vụ đời sống và sản xuất.
Cũng như các xã trong huyện Hàm Tân, trước năm 1975, diện tích rừng ở Tân Hà rất lớn, ước khoảng trên 4.000 hecta. Rừng ở đây nhiều loại gỗ quý như cẩm lai, sao, gõ đỏ, dầu... và lá buông, song mây và nguồn lâm đặc sản phong phú khác. Nhưng theo thống kê năm 2010, diện tích rừng Tân Hà bị thu hẹp khá nhiều, chỉ còn 265 hecta, chiếm 3,94% diện tích tự nhiên. Nguyên nhân do chiến tranh tàn phá và chính sách khai hoang của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975; ngoài ra, sau năm 1975, công tác quản lý còn lỏng lẻo, khai thác thiếu quy hoạch; nhiều người dân sống nhờ nguồn lợi của rừng bằng các nghề khai thác gỗ, củi, hầm than, lá buông và tình trạng dân đốt rừng lấy đất làm rẫy nên rừng bị mất dần, động vật hoang dã, quý hiếm cũng mất dần theo diện tích rừng.
Ở Tân Hà còn có các loại khoáng sản như đá granit (tập trung ở núi Nhọn, núi Bể), cát, đất sét, đất kết vón bồi (tập trung ven sông Dinh) với trữ lượng lớn phục vụ xây dựng rất tốt. Ngoài ra, Tân Hà còn có mỏ khai thác chế biến đá xây dựng hình thành từ năm 1987, với diện tích quy hoạch 131.000 m2, công suất khai thác bình quân hàng năm lên đến 450.000 m3 đá nguyên khối.
Là một trong những xã nằm ở miền cực Nam trung bộ nên ở Tân Hà khí hậu khô hạn, bức xạ cao, chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Nhiệt độ trung bình trong năm 26,8°C, thấp nhất vào tháng 1 khoảng 18,5°C và cao nhất tháng 5, tháng 6 khoảng 34,6°C. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.674 mm, tập trung vào mùa mưa và chiếm 96% lượng mưa cả năm. Hằng năm, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch (tập trung vào tháng 7, tháng 8 và tháng 9). Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong mùa nắng ở Tân Hà, số giờ nắng lên đến 240 giờ/tháng, nắng nóng, gió to, khí hậu khắc nghiệt gây không ít khó khăn trong sản xuất và đời sống. Tân Hà có 2 mùa gió là gió mùa Đông Bắc và gió Tây Tây Nam. Vào mùa nắng, gió thổi từ Đông Nam sang hướng Tây Bắc và có sương mù vào khoảng 21 giờ đêm và tan dần khi mặt trời mọc.
Theo thống kê năm 2010, xã Tân Hà có 5 thôn gồm: Đông Thuận, Đông Hòa, Suối Máu, Đông Hiệp và Đông Thanh. Toàn xã có 1.608 hộ với 6.403 nhân khẩu. Số người trong trong độ tuổi lao động trên 3.210 người. Dân số ở Tân Hà phần đông là dân tộc Kinh. Bên cạnh còn có 143 hộ với 700 nhân khẩu đồng bào dân tộc Rai ở thôn Suối Máu. Ngoài ra, vào năm 1990 còn có khoảng 15 hộ với gần 60 nhân khẩu là người dân tộc Mường di cư từ tỉnh Thanh Hóa vào, hiện định cư ở khu vực Dâu Tằm, thôn Đông Thanh. Sau bao nhiêu năm sinh sống, qua nhiều đời tiếp xúc và có sự giao thoa văn hóa với đồng bào người Kinh, nét sinh hoạt, văn hóa truyền thống riêng có của đồng bào dân tộc Rai và dân tộc Mường ở Tân Hà có nhiều thay đổi tiến bộ, không còn các hủ tục lạc hậu. Đồng bào dân tộc Rai ở thôn Suối Máu (còn gọi Suối Mấu) có nguồn gốc quan hệ lâu đời với nhóm dân tộc Rai ở Đá Bầm - Tân Đức và đồng bào dân tộc Rai ở Láng Gòn - Tân Xuân. Trước năm 1975, vùng đất Suối Máu chỉ có khoảng 50 nhân khẩu dân tộc Rai, sau năm 1975 tăng lên 150 nhân khẩu thuộc thôn Đông Hải. Đến năm 1978, được vận động đi xây dựng kinh tế mới ở Sông Phan nhưng, đồng bào không quen ở vùng đất mới nên đến năm 1979 quay về định cư làng cũ ở Suối Máu và được quy hoạch vào thôn Đông Hòa. Qua gần 30 năm, dân số đồng bào Rai ở đây phát triển, sinh trưởng và tiếp nhận thêm đồng bào Rai các nơi đến nhập cư. Đến năm 2006 hình thành thôn Suối Máu từ thôn Đông Hòa tách ra.
Về tôn giáo, hiện nay ở Tân Hà có khoảng 3.200 người theo đạo Công giáo, chiếm 40% dân số và khoảng 2.400 người theo đạo Phật, chiếm 30% dân số. Các cơ sở tôn giáo đạo Phật gồm các chùa Tiên Phước, chùa Pháp Hiển và tịnh xá Trúc Lâm; đạo Công giáo gồm các Giáo xứ Đông Hà, Giáo xứ Thánh Linh và Tu đoàn Bác Ái Xã Hội.
Hiện nay, Đảng bộ xã Tân Hà có 8 chi bộ trực thuộc với 34 đảng viên. Tiền thân của Đảng bộ Tân Hà là Chi bộ cơ sở xã Tân Hà được thành lập vào năm 1976 chỉ với 5 đảng viên. Đảng bộ Tân Hà là nhân tố lãnh đạo và thực hiện mọi thắng lợi của phong trào cách mạng tại địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tân Hà đã vượt qua bao gian khó trong lao động, xây dựng một vùng đất đồi khô hạn trở thành một làng quê đầy sức sống. So với nhiều địa phương bạn trong huyện Hàm Tân, Tân Hà là một vùng quê còn non trẻ nhưng cuộc sống hôm nay đã mở ra nhiều triển vọng trên con đường xây dựng cuộc sống mới của quê hương Tân Hà.
Trên địa bàn Tân Hà hiện còn có cơ quan Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.
Trụ sở UBND xã: Thôn Đông Hòa, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: (0252) 3578015 Email: tanha@hamtan.binhthuan.gov.vn
II. Thông tin về lãnh đạo và cán bộ, công chức của xã Tân Hà:
Đảng ủy
|
Bí thư
|
Phó Bí thư
|
- Họ và tên: Phùng Như Hường
- Điện thoại: 0908 707 087
- Email: huongph@hamtan.binhthuan.gov.vn
|
1.- Họ và tên: Nguyễn Lý Hồng Đăng
- Điện thoại: 0904 428 775
- Email: dangnlh@hamtan.binhthuan.gov.vn
2.- Họ và tên: Đỗ Văn Hùng
- Điện thoại: 0383 112 656
- Email: hungdv@hamtan.binhthuan.gov.vn
|
HĐND
|
Chủ tịch
|
Phó Chủ tịch
|
- Họ và tên: Nguyễn Lý Hồng Đăng
- Điện thoại: 0904 428 775
- Email: dangnth@hamtan.binhthuan.gov.vn
|
- Họ và tên: Nguyễn Thị Mỹ Nhân
- Điện thoại: 0916 206 310
- Email: nhanntm@hamtan.binhthuan.gov.vn
|
UBND
|
Chủ tịch
|
Phó Chủ tịch
|
- Họ và tên: Đỗ Văn Hùng
- Điện thoại: 0383 112 656
- Email: hungdv@hamtan.binhthuan.gov.vn
|
1.- Họ và tên: Hoàng Kim Thành
- Điện thoại: 0974 748 871
- Email: thanhpc@hamtan.binhthuan.gov.vn
2.-Họ và tên: Nguyễn Thị Mỹ Lan
- Điện thoại: 0868 417 630
- Email: lanntm@hamtan.binhthuan.gov.vn
|