HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN CỦA HĐND GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT NHIỀU VẤN ĐỀ BỨC XÚC MÀ CỬ TRI VÀ DƯ LUẬN QUAN TÂM
Lượt xem: 4347
Việc thực hiện có hiệu quả hoạt động chất vấn sẽ góp phần thành công của kỳ họp, phiên họp với mục đích cao nhất là chất lượng ban hành các nghị quyết, thông báo của HĐND và chất lượng các nội dung tại kỳ họp, phiên họp của Thường trực HĐND huyện.

 

Chất vấn, giải trình là những hoạt động chủ yếu của đại biểu HĐND tại mỗi kỳ họp, phiên họp, có ý nghĩa quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng quyết định tại kỳ họp, phiên họp khi vấn đề được làm rõ. Chất vấn tại kỳ họp của đại biểu HĐND là hoạt động giám sát trực tiếp, là quyền quan trọng của đại biểu dân cử, mà ở đó thể hiện quyền lực và trách nhiệm của đại biểu với cử tri của mình, đồng thời cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan công quyền. Thực tế tại mỗi kỳ họp của HĐND huyện, thời gian dành cho hoạt động chất vấn chiếm khoảng 30%; nội dung các câu hỏi chất vấn khá sát với thực tế và là những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm nên phản ánh được nguyện vọng của nhân dân.

Hiện nay trên địa bàn huyện, hoạt động chất vấn ngày càng thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri, của cộng đồng và xã hội. Thông qua chất vấn, trả lời chất vấn, những mong muốn, bức xúc của cử tri được làm rõ, xác định được nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND và Thường trực HĐND huyện đã tổ chức 06 kỳ họp, phiên họp có hoạt động chất vấn (05 kỳ họp HĐND thường kỳ, 01 phiên họp Thường trực HĐND thường kỳ), có 29 lượt đại biểu chất vấn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Thành viên UBND huyện về các nội dung liên quan đến việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, những vấn đề “nóng” bức xúc được cử tri và dư luận quan tâm. Người được chất vấn trả lời nghiêm túc, thẳng thắn, đúng vấn đề chất vấn; rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp; điều hành của Chủ tọa đảm bảo linh hoạt, theo đến cùng vấn đề chất vấn.

Sau chất vấn, về cơ bản đại diện các cơ quan chức năng đã thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải trình, tiếp thu, giải quyết các vấn đề đại biểu, cử tri đặt ra. Nhiều ý kiến chất vấn đã được giải đáp thẳng thắn trên tinh thần cầu thị, không né tránh; không ít lời hứa trên diễn đàn kỳ họp đã được tổ chức thực hiện, tạo niềm tin cho cử tri, góp phần nâng cao vị thế của HĐND và các đại biểu dân cử.

Tuy nhiên trong hoạt động này vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Về phía đại biểu HĐND vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, nhiều câu chất vấn còn mang tính hỏi để biết, hỏi dài, chưa đi vào trọng tâm cần hỏi và chưa đeo bám đến cùng để được giải đáp thỏa đáng ngay tại kỳ họp. Việc chuẩn bị câu hỏi chất vấn chủ yếu vẫn do các đại biểu chuyên trách, chưa có nhiều đại biểu HĐND tham gia nên chưa tạo được không khí thảo luận dân chủ trong kỳ họp. Một số thủ trưởng cơ quan hữu quan trả lời còn chung chung, báo cáo hoạt động của cơ quan, đơn vị mình là chính. Tuy có “hứa” nhưng vẫn còn tình trạng “hứa” rồi để đấy, chậm hoặc không thực hiện. Có thủ trưởng cơ quan còn giao cho cấp phó trả lời phần việc thuộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan phải trả lời nghiêm túc trước HĐND, trước cử tri và nhân dân...

Để hoạt động chất vấn thật sự hiệu quả, kinh nghiệm đặt ra, đó là:

Thứ nhất, chọn vấn đề chất vấn: Đại biểu nên lựa chọn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà đại biểu am hiểu, thường là vấn đề bức xúc được cư tri và dư luận quan tâm. Thường trực HĐND huyện gợi ý chất vấn gửi đến các Tổ đại biểu; trước ngày khai mạc kỳ họp, các đại biểu HĐND sinh hoạt tổ, nghiên cứu tài liệu và thảo luận các nội dung sẽ phát biểu tại kỳ họp, trong đó thảo luận nội dung sẽ đưa ra chất vấn tại kỳ họp. Tổ đại biểu cử những người am hiểu về lĩnh vực chất vấn, giọng nói rõ ràng, mạch lạc, biết sử dụng ngôn ngữ tốt để tham gia chất vấn tại kỳ họp. Do đó vấn đề được lựa chọn đảm bảo kỹ, là vấn đề lớn, “nóng” tại địa phương.

Việc lựa chọn đối tượng trả lời chất vấn cũng được Tổ đại biểu quan tâm, tránh trường hợp chất vấn không đúng người có trách nhiệm, vì thực tế có trường hợp đại biểu chất vấn những việc không thuộc trách nhiệm của người bị chất vấn. Do đó Tổ đại biểu thảo luận kỹ và thống nhất đối tượng trả lời chất vấn sẽ đảm bảo đúng người có trách nhiệm.

Thứ hai, điều hành phiên chất vấn phải đảm bảo thật linh hoạt, tạo được không khí dân chủ, cởi mở. Chủ tọa điều hành theo hướng gợi mở vấn đề, trường hợp liên quan đến cơ quan, ngành, cá nhân khác thì chủ tọa yêu cầu người đứng đầu cơ quan, ngành hoặc cá nhân đó giải trình thêm. Một đại biểu chất vấn, nhưng thảo luận chất vấn thì chủ tọa gợi mở để nhiều đại biểu cùng tham gia “truy vấn”. Sau mỗi phát biểu giải trình của người bị chất vấn và câu hỏi thêm của đại biểu tham gia chất vấn, Chủ tọa đều chốt vấn đề cụ thể, như vậy các vấn đề chất vấn sẽ được làm rõ ngay tại kỳ họp.

Thứ ba, kết luận chất vấn, đây là vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng. Sau phiên chất vấn, Thường trực HĐND ban hành Thông báo kết luận phiên chất vấn, trong đó giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc giải quyết những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn tại kỳ họp, yêu cầu rõ thời gian hoàn thành và báo cáo Thường trực HĐND; đồng thời báo cáo HĐND tại kỳ họp tiếp theo.

Thứ tư, giám sát việc thực hiện kết luận phiên chất vấn, trên cơ sở Thông báo kết luận hoặc Nghị quyết phiên chất vấn, Thường trực HĐND giao các Ban HĐND, các đại biểu HĐND tiến hành giám sát việc thực hiện “lời hứa” sau chất vấn. Có thể kết hợp với giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tiến hành giám sát việc thực hiện kết luận phiên chất vấn; báo cáo kết quả giám sát với HĐND tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp không giám sát thì đề nghị UBND báo cáo việc chỉ đạo thực hiện “lời hứa” chất vấn và báo cáo tại kỳ họp HĐND. Làm như vậy, trách nhiệm của người bị chất vấn được nâng lên, vấn đề chất vấn được giải quyết kịp thời.

         Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, vì vậy, HĐND các cấp trong thời gian tới cần không ngừng đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả chất vấn để ngày càng đáp ứng lòng mong mỏi, sự kỳ vọng của nhân dân vào hoạt động này. Để hoạt động chất vấn thực sự có chiều sâu, thiết thực, giải quyết được những vấn đề bức xúc, mang tính thời sự, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của nhiều chủ thể, trong đó, quan trọng nhất là đại biểu HĐND. Do đó, đại biểu HĐND cần phải nâng cao hơn nữa năng lực và tinh thần trách nhiệm của mình, khẳng định bản lĩnh, vị trí của mình trên diễn đàn chất vấn, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Người đại biểu nhân dân”./.

Đỗ Duy Tiến                    

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy,

Chủ tịch HĐND huyện            

Đỗ Duy Tiến
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !