CÔNG TRÌNH NGHÌN TỶ TRÊN VÙNG ĐẤT NGHÈO
Lượt xem: 620

 

Ở nơi sản xuất nông nghiệp chỉ dựa vào nước trời thì việc thu hút đầu tư được xem là bài toán hữu hiệu nhất để xã khó khăn ven biển như Sơn Mỹ vươn lên phát triển, chính vì vậy, những năm gần đây, với chính sách cởi mở, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển, xã Sơn Mỹ đã thu hút được ngành công nghiệp mới, đó là nhà máy điện năng lượng tái tạo Sơn Mỹ với vốn đầu tư nghìn tỷ đồng. Đây được xem là điểm sáng trên bản đồ công nghiệp, mở ra nhiều tiềm năng và cơ hội  cho Hàm Tân trong những năm tiếp theo.

Sơn Mỹ được biết đến là 1 trong những xã khó khăn ven biển của huyện Hàm Tân. Kinh tế chủ yếu là phát triển nông nghiệp nhưng địa phương này vẫn mãi loay hoay khi đi tìm giống vật nuôi cây trồng có tính bền vững trên vùng đất thừa nắng và luôn đối mặt với khô hạn bởi không có bất cứ kênh mương thủy lợi trên địa bàn. Sản xuất nông nghiệp dựa vào nước trời nên nông nghiệp không phát triển, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp được xem là bài toán để mở nút thắt về kinh tế ở vùng đất này.

 

Tấm pin năng lượng mặt trời

Với chính sách cởi mở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, nên năm 2018, dự án điện năng lượng tái tạo Sơn Mỹ đã được phê duyệt và đưa vào triển khai thi công. Đây được xem là dự án nhận được nhiều sự đồng thuận của nhân dân sau nhiều năm quy hoạch công nghiệp trên địa bàn xã Sơn Mỹ.

Dự án nhà máy điện mặt trời Sơn Mỹ có vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 58ha, đưa vào hoạt động từ ngày 18/6/2019. Công suất trung bình 220 ngàn kw/ngày với 133.330 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt với công nghệ và thiết bị hiện đại, hàng nối hàng tiếp nhau gần như che phủ cả một vùng  rộng lớn, các tấm pin năng lượng này sẽ hấp thụ bức xạ ánh sáng mặt trời, sau đó chuyển đổi thành điện năng hòa vào hệ thống tải điện.

 

Trạm biến điện năng lượng mặt trời

 

Theo ông Đinh Quang Minh - Phó Giám đốc công ty  Cổ phần năng lượng tái tạo Sơn Mỹ cho biết: tại xã Sơn Mỹ, nhiệt độ trung bình hàng năm hơn 25 độ C, số giờ nắng trung bình trong ngày từ 5 đến 6 giờ, tương đương khoảng 2.500 giờ/năm. Đây chính là  điều kiện thuận lợi để đầu tư dự án điện mặt trời trên địa bàn.

Có thể khẳng định, sau gần 15 chia tách, thành lập huyện mới, cho tới thời điểm này, Điện năng lượng mặt trời Sơn Mỹ là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất trên địa bàn huyện Hàm Tân đã được triển khai và đi vào hoạt động. Đây được xem là thành công của việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Hàm Tân khóa X vừa qua trong việc đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực phát triển công nghiệp trên địa bàn.

 

Điện năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch đang được khuyến khích phát triển tại Bình Thuận nói chung và huyện Hàm Tân nói riêng. Dự án này đi vào hoạt động không chỉ biến vùng đất bạt ngàn cằn cỗi đầy nắng vốn sản xuất nông nghiệp nhiều bấp bênh thành vùng sản xuất điện năng mà còn góp phần giải quyết bài toán thiếu điện trong mùa khô. Dự án này còn được xem là cú hích trên bản đồ công nghiệp Hàm Tân, là cơ hội để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến với vùng đất này.

 TTVH-TT&TT HÀM TÂN

TTVH-TT&TT HÀM TÂN
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !