Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi
rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi
và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh tay chân miệng thường tăng mạnh vào khoảng
thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-10. Hiện đã vào năm học mới, học sinh đến trường,
dự báo số ca mắc tay chân miệng sẽ gia tăng nhanh.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Hàm
Tân, từ đầu năm đến nay có sự gia tăng số ca trẻ mắc bệnh tay chân miệng với gần
30 ca. Đa số các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng khi đến điều trị ở Trung
tâm đều ở thể nhẹ, chủ yếu là điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra biến
chứng luôn tiềm ẩn, các phụ huynh cần cảnh giác, theo dõi kỹ các biểu hiện của
trẻ. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu cảnh báo như: nôn ói nhiều, ăn uống kém, lở
miệng, tay chân nổi bỏng nước… thì nên đưa trẻ nhập viện kịp thời.
Lòng
bàn tay của trẻ bị bỏng nước
Đến thời điểm này, các bác sĩ nhận định,
dù bệnh tay chân miệng tuy có tăng về số ca mắc phải nhưng vẫn chỉ ở mức độ nhẹ,
chưa có biến chứng nặng. Thông thường, hàng năm có 2 thời điểm bệnh tay chân miệng
bùng phát, đó là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 10. Đây là những
tháng trẻ bắt đầu đi học trở lại nên bệnh lây lan sẽ nhiều hơn. Dấu hiệu đặc
trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng
phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Tuy nhiên ở
một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như
viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được
phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Bác sĩ cũng cảnh báo, hiện bệnh tay
chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên quan trọng
nhất vẫn là các biện pháp phòng ngừa, không chủ quan. Do đó, nhà trường và các
bậc phụ huynh cần thường xuyên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn,
đặc biệt là trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ,
trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh.
TTVH-TT&TT HÀM TÂN