CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH QUÝ I NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÀM TÂN CÓ NHIỀU KHỞI SẮC
Lượt xem: 73

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn huyện Hàm Tân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thẩm định CCHC năm 2023 của huyện cho thấy điểm số cải cách hành chính đã dần được cải thiện.

Năm 2024, công tác cải cách hành chính tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; được lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, bám sát theo Chương trình, Kế hoạch của tỉnh. Huyện triển khai công tác cải cách hành chính gắn với thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường giải quyết hồ sơ, xử lý công việc trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Sau 3 tháng triển khai thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ - HĐND- UBND huyện, công tác cải cách hành chính trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả nhất định, đó là: UBND huyện đã sớm ban hành Kế hoạch về cải cách hành chính năm 2024 để chỉ đạo triển khai thực hiện; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã khẩn trương nghiên cứu, cụ thể hóa chỉ đạo của UBND huyện và ban hành Kế hoạch để triển khai tại cơ quan, đơn vị và địa phương. Ngoài ra, UBND huyện đã ban hành các kế hoạch khác để triển khai thực hiện trong đó công tác kiểm tra về cải cách hành chính được triển khai tổ chức sớm; công tác tuyên truyền về cải cách hành chính có nhiều đổi mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung; quan tâm phát động tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính kịp thời; triển khai hiện nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI  năm 2024 của tỉnh trên địa bàn huyện; chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra qua kết quả công bố đánh giá, xếp loại Chỉ số CCHC năm 2023 của huyện;...

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Tiến độ, chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính chưa đạt yêu cầu; vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn cao, nhất là trên lĩnh vực đất đai. Cụ thể: Trong quý I/2024, số hồ sơ TTHC tại Bộ phận một cửa huyện giải quyết cụ thể như sau: Tổng số hồ sơ tiếp nhận 4.917 (Trong đó: tiếp nhận trực tuyến: 246; tiếp nhận trực tiếp và BCCI: 2180; kỳ trước chuyển sang 2491) hồ sơ. Số hồ sơ đã giải quyết xong là 3.503 hồ sơ (Trong đó: số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn là 1770 hồ sơ, hồ sơ đã giải quyết trễ hạn 1733 hồ sơ). Hồ sơ đang giải quyết 1414 hồ sơ (Trong đó hồ sơ trong hạn giải quyết 827; hồ sơ quá hạn giải quyết 587), tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn 47,18%. Đồng thời việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, khó khăn khi công chức vừa thực hiện tiếp nhận hồ sơ, vừa thực hiện hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công, những khi có nhiều người dân cùng nộp hồ sơ một lúc thì khó hướng dẫn được.

 Xuất phát từ một số khó khăn như: hồ sơ liên thông luân chuyển qua đường bưu điện bị trễ hẹn nhiều do ngày hẹn trả kết quả không được cộng thêm thời gian luân chuyển của bưu điện (thời gian bưu điện luân chuyển 01 hồ sơ đi và về trung bình mất từ 2 ngày đến 4 ngày). Trong khi đó thủ tục gia hạn đất khi hết hạn sử dụng, tổng thời gian hoàn thành hồ là 05 ngày làm việc nên dẫn đến việc trả hồ sơ cho dân bị trễ. Riêng đối với việc thực hiện Đề án 06 cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn, cụ thể: tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ liên thông trên cổng dịch vụ công quốc gia về thủ tục khai sinh, khai tử. Khi triển khai thực hiện đề án này, công chức không được tập huấn hướng dẫn nên rất lúng túng trong việc thực hiện. Hồ sơ đã giải quyết xong, đã trả kết quả cho công dân nhưng trên phần mềm một cửa khi thống kê hồ sơ thì tình trạng hồ sơ đang trong thời gian giải quyết (chưa đồng bộ được hồ sơ giấy và phần mềm).

 
Anh-tin-bai

Từ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Để thực hiện tốt hơn nữa đối với CCHC trong thời gian đến, UBND huyện đề ra phương hướng cụ thể như sau:

Thứ nhất là: Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tổ chức quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác cải cách hành chính của huyện theo Kế hoạch đề ra và theo tinh thần Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 2992/KH-UBND ngày 12/8/2021 của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PAR Index, chỉ số PAPI, chỉ số SIPAS năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Kế hoạch số 66-KH/HU ngày 21/10/2021 của Huyện ủy thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 07/9/2021 của UBND huyện về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PAR Index, chỉ số PAPI, chỉ số SIPAS năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Hàm Tân.

Thứ hai là: Quan tâm bố trí đủ nguồn lực, kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Xác định đây là nội dung có tính chất quyết định để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao trong công tác CCHC.

Thứ ba là: Thủ trưởng các phòng, ban và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch và chịu trách nhiệm trước UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện về kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được giao; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của địa phương; đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, Chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế công lập phù hợp với Chương trình tổng thể và với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai cải cách hành chính tại huyện.

Thứ tư là: Đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung và kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2024 của tỉnh, huyện, với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng, cơ quan, đơn vị.

Thứ năm là: Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý.

Thứ sáu là: Các cơ quan, đơn vị, UBND cấp xã tiếp tục triển khai, phát động cán bộ, công chức, viên chức tham gia tìm kiếm giải pháp, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính. Chủ động đề xuất áp dụng, nhân rộng các sáng kiến, hình mới và các giải pháp có tính đột phá để nâng cao hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện cải cách hành chính tại các cơ quan và địa phương. Giao các phòng, ban thuộc huyện có 01 sáng kiến giải pháp về CCHC; UBND các xã, thị trấn mỗi đơn vị có 01 sáng kiến, giải pháp về CCHC

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tích cực đồng hành của người dân và doanh nghiệp, huyện Hàm Tân sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nền hành chính công hiệu lực, hiệu quả trong năm 2024./.

Phòng Nội vụ



Phòng Nội vụ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang