Nha đam còn có tên gọi khác là cây lô hội. Loại cây trồng cạn
rất phù hợp với vùng đất nhiều nắng nóng, gió cát như ở Thắng Hải. Với nhiều ưu
điểm như kháng bệnh tốt, dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, dễ nhân giống mở rộng
diện tích, cây nha đam hiện đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao
đang được khuyến khích mở rộng ở xã Thắng Hải.
Với 8 hecta đất pha cát, trước đây anh Đào Anh Tư ở thôn Suối
Bang chỉ trồng được cây kiệu và keo tràm. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh nên sau
khi tham quan một số mô hình trồng nha đam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; thấy
phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng, đầu tháng 6/2020, anh Tư tìm đến các trại
cây giống uy tín để mua giống về trồng. Qua tham khảo, anh Tư chọn nha đam giống
Thái Lan vì nhiều ưu điểm như vỏ mỏng, cơm dày, chất nhựa nhiều.
Mô
hình trồng cây nha đam của anh Tư đem lại hiệu quả cao
Theo chia sẽ của anh Tư, cây nha đam chịu hạn tốt nhưng nếu
bị úng nước sẽ thối gốc, do đó trước khi xuống giống anh đã làm đất thật kỹ, trộn
phân hữu cơ, phân chuồng để đất tơi xốp, lên luống để tránh cây bị ngập úng. Dù
vậy, để trồng mới nha đam, nên trồng vào đầu mùa mưa để cây con dễ phát triển.
Sau 6-8 tháng chăm sóc, nha đam cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tiếp đó điều đặn 2
ngày 1 lần, vườn nha đam lại cho thu hoạch. Giá nha đam tươi bán tại vườn luôn ở
mức 1.500 đồng - 2.000 đồng/kg. Còn vào mùa mưa thì bán khoảng 1.000 đồng - 1.200
đồng/kg. Với khung giá này, anh Tư thu lãi hơn nhiều so với nhiều loại cây đã
trồng khác ước 1 hecta đất trồng nha đam có thể thu về lãi ròng từ 400 đến 450
triệu đồng.
Sau khi tham quan vườn nha đam của anh Tư, nhận thấy hiệu
quả kinh tế của cây nha đam mang lại; Hội Nông dân xã Thắng Hải đang phối hợp
tiếp tục khảo sát vùng trồng nha đam trên địa bàn xã để chuyển giao kỹ thuật,
khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi sang cây trồng mang lại hiệu quả
kinh tế cao này. Bởi cây nha đam với ưu điểm dễ trồng, phù hợp với đất cát và
khí hậu khô nóng ở địa phương, người nông dân không mất nhiều chi phí đầu tư giống
ban đầu, chỉ khoảng 3.000 đồng/cây nhưng thời gian thu hoạch kéo dài từ 4 đến 7
năm. Ngoài ra, khâu chăm sóc cây nha đam cũng nhẹ nhàng hơn nhiều loại cây trồng
khác. Riêng đối với đầu ra sản phẩm, Hội Nông dân xã cũng đã liên hệ với các cơ
sở chế biến ở Sài Gòn, Đồng Nai để có thể liên kết thành lập cơ sở chế biến nha
đam ngay tại địa phương nếu có nhiều hộ dân tham gia mô hình.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nha đam ngày càng tăng, ngoài việc
làm thức uống, nha đam còn được dùng trong việc chăm sóc sắc đẹp và là một dược
liệu quý trong điều trị rất nhiều bệnh như: Gan, bệnh ngoài da, mỏi mắt…Rõ
ràng, cây nha đam là một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
giúp giảm nghèo rất cần được mở rộng để nhiều nông dân ở Thắng Hải phát triển
kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.
TTVH-TT&TT HÀM TÂN