Sông Phan là xã miền núi với
diện tích sản xuất nông nghiệp là 3.666,82 ha, trong đó diện tích trồng thanh
long là 585 ha. Sản phẩm sản xuất ra còn nhỏ lẻ, ít có sản phẩm mang tính hàng
hóa; nông dân chưa mạnh dạn liên doanh, liên kết do thiếu thông tin, kiến thức
và kinh nghiệm sản xuất, nền kinh tế địa phương phát triển chưa tương xứng với
tiềm năng hiện có. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng có sản lượng năng suất cao,
ổn định rất cần các tổ chức đứng ra định hướng cho nông dân dựa trên cơ sở điều
kiện thuận lợi về thổ nhưỡng.
Hợp tác xã thanh long Phúc
Vinh ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn hội
nhập hiện nay; là nơi có thể cập nhật thông tin, tiếp nhận thực hiện và triển
khai các chủ trương, chính sách, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đến các hộ nông dân.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, sản
xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống.
Quang cảnh Đại hội thành lập Hợp tác
xã thanh long Phúc Vinh
Ngày 25/4/2022, Hợp tác xã
thanh long Phúc Vinh đã tổ chức Đại hội thành lập tại thôn An Vinh, xã Sông
Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận; tổng số
vốn điều lệ hơn 02 tỷ đồng với 23 thành viên; ngành nghề kinh doanh là mua bán
phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
(thanh long), mua bán trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp
giống cây trồng, vật nuôi,…
Tại Đại
hội đã thống nhất thông qua Điều lệ
và Phương án sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã; bầu
ra các thành viên Hội đồng quản trị (05 người) và Ban Kiểm soát (03 người) Hợp tác xã. Ông Trần Thuyết được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội
đồng quản trị đồng thời làm Giám đốc Hợp tác xã thanh long Phúc Vinh.
Thành viên Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát Hợp tác xã thanh long Phúc Vinh
Là
người tâm huyết với nghề trồng thanh long, ông Trần Thuyết thể hiện quyết tâm: “Từ trước tới nay chúng tôi sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chịu cảnh bấp
bênh do tư thương ép giá. Nay tham gia hợp tác xã, tôi tin rằng đây là cơ hội
để nâng cao giá trị, thương hiệu của trái thanh long, đồng thời ổn định giá cả,
tăng thu nhập cho xã viên”.
Để
tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao uy tín, thương hiệu và thị trường thì Hợp tác xã cần
đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực quảng bá sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển
lãm; muốn bán được sản phẩm thì trái thanh long phải được sản xuất theo tiêu
chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đẹp, an toàn, giá cả cạnh tranh, bà con xã viên phải
thấy được lợi nhuận lâu dài để đầu tư xứng đáng. Mặc dù có thuận lợi bước đầu
thành lập (vốn điều lệ, số lượng thành viên,…); tuy nhiên, để Hợp tác xã đi vào
hoạt động hiệu quả và lớn mạnh thì cần phải có phương án hoạt động, bước đi, lộ
trình cụ thể; đặc biệt các thành viên trong Hợp tác xã phải có sự đoàn kết,
đồng lòng trong mọi hoạt động; cùng đồng thuận trong mọi phương châm hành động
thì mới phát huy được sức mạnh tập thể./.
Đỗ Minh Trinh