NUÔI BÒ BÁN CHĂN THẢ: HƯỚNG ĐI MỚI CHO PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI Ở SÔNG PHAN
Lượt xem: 3041

Chăn nuôi bò theo phương thức bán chăn thả là cách phát triển kinh tế rất hiệu quả ở xã Sông Phan. Nhờ mô hình này, nhiều hộ nông dân đã thực sự thoát nghèo. Đây cũng chính là giải pháp tích cực trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở nơi đây.

Canh tác cây trồng nông nghiệp, chăm sóc vườn cây ăn quả là những công việc chính thường ngày của người nông dân xã Sông Phan. Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, rất nhiều hộ nông dân ở đây đã phát triển thêm một nghề mới, đó là nghề chăn nuôi bò bán chăn thả. Điển hình và đi đầu trong phong trào này phải kể đến anh Võ Chí Hoan ở thôn Tân Hòa. Sau một thời gian tìm hiểu nhu cầu của thị trường, anh Hoan đã quyết định phát triển đàn bò theo phương thức bán chăn thả.

Để tạo được nguồn thức ăn thô xanh, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho đàn bò, trên vùng đất bãi kém hiệu quả, gia đình anh chuyển sang trồng cỏ. Với cách làm này, anh hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn thô xanh giàu dinh dưỡng để cung cấp cho đàn bò. Đến nay, sau gần 10 năm gắn bó với nuôi bò bán chăn thả, từ 2 con bò khởi nghiệp ban đầu, hiện gia đình anh đã có 20 con bò, trong đó có 10 bò mẹ. Bình quân mỗi năm, đàn bò mang lại cho gia đình anh Hoan nguồn thu khoảng 150 triệu đồng. Rõ ràng, lợi nhuận thu được từ việc chăn nuôi bò bán chăn thả là không hề nhỏ.

Trước hiệu quả và lợi nhuận cao đạt được từ việc chăn nuôi bò bán chăn thả của anh Hoan, rất nhiều hộ nông dân trong xã tận dụng đồi bãi đưa vào trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò. Hiện toàn xã có tổng số trên 100 hộ dân nuôi bò, tổng đàn bò trên 1.700 con. Trong đó có trên 20 hộ nuôi từ 10 con trở lên. Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò bán chăn thả đã góp phần cải thiện đáng kể mức thu nhập và đời sống của nhiều hộ nông dân trong xã.

Những đàn bò được chăn thả trên đồng cỏ

Đến xã Sông Phan hôm nay, có thể cảm nhận được diện mạo nông thôn đang đổi thay nhanh chóng từng ngày. Nếu như trước đây, trên những vùng đất bãi khô cằn triền núi vẫn thường bị bỏ hoang hóa hoặc gieo trồng các loại cây kém hiệu quả, thì nay đã được phủ màu xanh cây cỏ tươi tốt, tạo nguồn thức ăn thô xanh chất lượng tốt phục vụ cho chăn nuôi bò. Mỗi người dân nơi đây đang cố gắng phát huy nội lực của mình, khai thác nguồn lực sẵn có ở địa phương, tham gia hiệu quả vào thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay.

TTVH-TT&TT HÀM TÂN

TTVH-TT&TT HÀM TÂN
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !