Nhờ chịu khó và biết tận dụng những phần phụ của cây chuối,
nên sau khi đã chặt lấy buồng, bà con nông dân xã Tân Đức đã bóc từng bẹ chuối để
phơi khô. Sản phẩm này khi phơi khô đã trở thành một mặt hàng dùng trong thủ công
mỹ nghệ, tạo điều kiện cho nhiều nông dân có việc làm, góp phần tăng thu nhập
gia đình.
Tận dụng những diện tích đất đồi núi hoang hóa bạc màu, người
dân xã Tân Đức đã trồng cây chuối vừa để giữ đất, vừa để tăng thêm thu nhập. Bởi
cây chuối là cây dễ trồng, phù hợp trên mọi loại đất. Đối với cây chuối khi đến
tuổi thu hoạch thì tất cả trái, hoa, thân, lá đều sử dụng được nên người dân nếu
chịu khó tận thu thì sẽ đem về cho gia đình khoản thu nhập kha khá.
Người
dân đang phơi bẹ chuối
Ngoài việc trồng và bán chuối trái, những năm gần đây, người
dân còn bóc, sau đó phơi khô bẹ chuối để bán, cho thu nhập đáng kể. Sau khi buồng
chuối đã già, chặt buồng bán, bà còn tận dụng được cây chuối bằng cách lột
thành từng bẹ, phơi khô rồi bán. Một cây chuối bình quân lột được 15 đến 20 bẹ,
những cây to có thể lên 25 bẹ. Hiện nay, giá bẹ chuối phơi khô được thu mua với
giá 10.000 đồng/kg, tăng từ 4 đến 5 nghìn đồng so với những năm trước nên những
nhà có diện tích chuối nhiều sẽ có thu nhập thêm vài chục triệu đồng từ nguồn bẹ
chuối khô. Bình quân 1 hecta chuối khi chặt cây phơi khô lấy bẹ sẽ thu được từ
khoảng 2,7 tấn khô. Với mức giá hiện tại, người dân sẽ thu lãi được từ 25 đến
27 triệu đồng trên 1 hecta.
Bẹ chuối khô ở đây được các thương lái và cơ sở sản xuất các
mặt hàng thủ công mỹ nghệ đánh giá cao về chất lượng bởi độ bền, màu sắc và
kích cỡ, đáp ứng được yêu cầu sản xuất những mặt hàng có giá trị, như bàn, ghế,
giỏ xách, thảm…
Được biết, sau khi mua gom được số lượng lớn, thương lái sẽ
dùng xe tải chở bẹ chuối bán cho các công ty, xí nghiệp ở các khu công nghiệp lớn
trong Đồng Nai, Bình Dương để đan lát, chế biến thành sản phẩm mỹ nghệ rồi xuất
khẩu.
TTVH-TT&TT HÀM TÂN