THAY VÌ CHẶT BỎ, HÃY QUYẾT TÂM BÁM CÂY ĐIỀU
Lượt xem: 951

          Hơn 13 năm gắn bó với cây điều, nông dân Trịnh Công Sơn ở thôn 4 xã Tân Đức cho rằng: đây là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Và qua từng năm, ông luôn vun vén cho lựa chọn của mình để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn “chặt trồng, trồng chặt” nhằm phát triển kinh tế ổn định và bền vững.

          Cây điều xã Tân Đức đã bao phen rơi vào thế trồng chặt, rồi chặt trồng. Còn nhớ trước năm 2014, cây điều là cây một thời cứu đói của địa phương, nhưng bị chặt bỏ hàng loạt, rồi rơi vào lãng quên. Mãi đến năm 2015, khi có giá cao và ổn định, cây điều mới được nông dân xã Tân Đức hăng hái quay lại lựa chọn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhưng qua từng năm, sâu hại, mất mùa. Cây điều lại rơi vào thế chặt trồng, trồng chặt. Đau lòng trước hàng loạt vườn điều hiệu quả thấp bị đốn hạ để thay thế bằng nhiều cây trồng khác, nhưng ông Trịnh Công Sơn quyết tâm bằng mọi cách giữ lại vườn điều. Ông nói, thay vì chặt bỏ, hãy quyết tâm bám vườn.

          Theo ông Sơn, để vườn điều mang lại hiệu quả cao, trước tiên trong khâu chọn giống, nông dân phải lựa chọn nguồn từ các nơi tin cậy, đặc biệt là cây giống từ các cấp Hội nông dân đưa về. Sau đó, qua từng tháng, từng năm, nông dân phải thường xuyên theo dõi và học tập kinh nghiệm chăm sóc điều, cả trong thực tế và cả trên mạng Internet. Sẽ không tránh những đợt điều gặp sâu hại, mưa trái mùa và sương muối khi ra hoa, đó là thiên tai, nhưng với kinh nghiệm bám vườn ít nhất trên 5 năm, chắc chắn những người tâm huyết với vườn điều sẽ biết cách để bảo vệ vườn và vun vén cho điều đạt hiệu quả kinh tế cao.

          Bao mùa điều trên địa bàn xã Tân Đức bị đốn hạ, để cao su, rồi mì cao sản thế chân. Ông Sơn vẫn giữ vườn và vườn vẫn mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình ông. Trung bình mỗi năm, 1 hecta điều mang về thu nhập cho gia đình ông trên 100 triệu đồng. Nguồn thu này, đủ để mỗi hộ nông dân xóa nghèo. Nhưng vì sao điều vẫn bị chặt, đó là do hiệu quả kinh tế thấp. Theo ông Sơn, nhiều hộ dân cho rằng điều là loại cây không kỳ công chăm sóc, không nhất thiết phải bón phân, nhưng cũng như các loại cây trồng khác, cây điều rất cần chất dinh dưỡng để phục hồi và phát triển sau mỗi mùa thu hoạch. Vì vậy, với riêng ông, sau khi thu hoạch ngoài tạo tán, tỉa cành, làm cỏ và phun thuốc phòng bệnh, ông còn bón phân và thường xuyên thăm vườn để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời cho cây điều. Quyết tâm vun vén cho lựa chọn của mình, ắt hẳn điều sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Ông Sơn đang chăm sóc vườn điều    

          Theo ghi nhận, nước ta xếp thứ 4 thế giới về diện tích trồng điều nhưng đứng đầu về xuất khẩu điều nhân. Điều thô nguyên liệu trong nước luôn tỷ lệ nghịch với tăng trưởng của công nghiệp chế biến. Đó chính là cơ sở để nông dân yên tâm đầu tư phát triển cây điều trong hoàn cảnh nhiều nông sản xuất khẩu đã và đang trong thế “cung vượt cầu”. Và quyết định của nông dân Trịnh Công Sơn, xã Tân Đức luôn trung thành với cây điều là lựa chọn hoàn toàn đúng.

TTVH-TT&TT HÀM TÂN

TTVH-TT&TT HÀM TÂN
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !